Tỉ phú Las Vegas không bằng cấp, không một đồng vốn

10 tuổi bươn trải kiếm sống Sheldon Adelson sinh năm 1933, là người gốc Do Thái, sống tại khu phố Boston (Mỹ). Sinh ra trong một gia đình...


10 tuổi bươn trải kiếm sống

Sheldon Adelson sinh năm 1933, là người gốc Do Thái, sống tại khu phố Boston (Mỹ). Sinh ra trong một gia đình nghèo, bố làm nghề lái taxi, mẹ ở nhà dệt len. Mới 10 tuổi, Sheldon Adelson đã phải thôi học, khi mới học xong cấp tiểu học. Không được học hành, không một đồng làm vốn, Sheldon đã làm đủ nghề như bán bánh kẹo, bán báo dạo… Những người dân ở khu phố nghèo Dorchester, Boston vẫn luôn nhớ hình ảnh cậu bé Sheldon lanh lợi, rong ruổi chạy bộ mấy chục kilômét bán báo mỗi ngày.

Khi tròn 20 tuổi, Sheldon nhận thấy mình có vẻ hợp nhất với nghề bán hàng, vừa kiếm được tiền và lại vừa có niềm vui rất lớn khi được lang thang khắp chốn bán hàng rong. Càng ngày, Sheldon càng chứng tỏ mình còn có tài buôn bán. Không có điều kiện đi học, nhưng ông được biết đến là một “con mọt sách”. Người ta luôn thấy lẫn trong đống báo, bánh kẹo, tờ rơi của Sheldon những cuốn sách nhiều khi đã cũ kỹ do ông mượn được ở đâu đó. Sheldon đã tranh thủ ngấu nghiến đọc những cuốn sách, tờ báo đó mỗi khi có chút ít thời gian. Khi kết thúc nghĩa vụ quân sự, Sheldon bắt đầu tiếp cận thị trường để tìm hướng kinh doanh. Sheldon chọn nghề môi giới tài chính, tín dụng và bảo hiểm - lĩnh vực mà ông ưa thích nhất - làm bước khởi điểm.

Sheldon ví những cơ hội đến với mình như người đợi xe bus, chẳng may lỡ chuyến này thì chỉ vài phút sau lại có chuyến khác. Với triết lý kinh doanh và tham vọng mãnh liệt đó mà Sheldon nhìn đâu cũng thấy có thể kiếm được tiền. Ông có vô số ý tưởng kinh doanh, từ những điều bình thường nhất, cho đến những dự án khổng lồ. Bản thân ông cũng không nhớ hết mình đã thử sức với bao nhiêu dự án kinh doanh lớn nhỏ trong hơn 50 năm “chinh chiến” trên thương trường. Chỉ biết rằng, những dự án sau càng quy mô hơn dự án trước và hứa hẹn đem lại những món lợi nhuận khổng lồ.

Từ kinh doanh hội chợ máy tính đến sòng bài Las Vegas

Sheldon Adelson là người rất nhạy bén với các cơ hội kinh doanh tiềm năng. Vào cuối những năm 70 của thế kỷ 20, ông đã sớm nhận thấy xu hướng bùng nổ của công nghiệp máy tính cá nhân. Sheldon Adelson biết mình không có chuyên môn trong lĩnh vực này, vốn liếng cũng chưa nhiều nên ông vẫn quyết định đi lên từ tài ăn nói và một cái đầu luôn tinh nhanh. Ông nảy ý tưởng làm dịch vụ hội chợ máy tính, giới thiệu sản phẩm máy tính trên thị trường. Bởi theo nhận định của ông thì thời điểm này những chiếc máy tính còn là mặt hàng mới mẻ, thông tin về sản phẩm còn hạn chế nên rất nhiều khách hàng có nhu cầu tìm hiểu. Năm 1979, Sheldon thành lập Công ty Comdex chuyên tổ chức hội chợ máy tính.

Máy tính bùng nổ và phát triển, cạnh tranh máy tính càng gay gắt, đã giúp cho kinh doanh hội chợ của Sheldon lên nhanh như diều gặp gió. Comdex trở thành nhà tổ chức hội chợ máy tính quốc tế có uy tín nhất thế giới. Với những quan hệ rất rộng của một nhà môi giới sành sỏi, cộng với khả năng tổ chức rất tốt, ông đã thu hút được các đại gia máy tính khắp nơi tham dự hội chợ Comdex. Mỗi lần hội chợ mở, có tới hàng trăm nghìn lượt người khắp nơi đổ về đây. Sau gần 20 năm hốt bạc từ kinh doanh hội chợ, năm 1997, Sheldon Adelson bán lại Comdex cho Tập đoàn Softbank của Nhật với giá 860 triệu USD.

Sống và kinh doanh tại Las Vegas - trung tâm sòng bạc và ăn chơi lớn nhất thế giới, Sheldon không thể bỏ qua các cơ hội kinh doanh mới. Từ năm 1984, Sheldon đã cho xây dựng tổ hợp khách sạn Casino The Sands. Sheldon không sợ Steven Wynn - ông trùm số 1 của thủ đô sòng bạc Las Vegas hàng chục năm liền - mà còn ngang nhiên đối đầu bằng những dự án với số tiền bạc tỉ khổng lồ chưa từng có trong giới kinh doanh sòng bạc ở Las Vegas. Năm 1991, Sheldon có ý tưởng xây dựng một tổ hợp khách sạn Casino Venetian theo kiến trúc Venedig ngay tại Las Vegas.

Ông cho xây dựng hơn 400 mét kênh đào nhân tạo chạy quanh khu tổ hợp khách sạn Casino Venetian được xây dựng nguy nga tráng lệ, toàn bộ ốp đá cẩm thạch. Tại đây có hơn 4.000 phòng khách sạn Suiten, 12 nhà hàng sang trọng và cả một khu phố mua sắm cao cấp. Khách đến sòng bạc có thể lựa chọn mọi hình thức chơi bạc tại 122 bàn chơi có người phục vụ hoặc tại 2.500 máy tự động.

Tỉ phú Las Vegas không bằng cấp, không một đồng vốn ảnh 1
Tỉ phú Sheldon Adelson hiện là người giàu thứ 7 ở Mỹ và thứ 14 thế giới.

Năm 2002, ông đã chính thức đặt chân vào “mỏ vàng” Macao khi bỏ ra gần 300 triệu USD để xây dựng một Casino Sands theo kiểu Las Vegas. Tại đây, những kẻ ăn chơi không cần đếm tiền có thể chơi bạc, sử dụng mọi tiện nghi xa hoa nhất, dịch vụ xa xỉ nhất.

Thấy hết tiềm năng và lợi thế của Macao - thủ phủ sòng bạc Châu Á, trong đầu Sheldon Adelson đã hình thành ngay một kế hoạch đầu tư “bành trướng”. Sheldon dự kiến sẽ bỏ khoảng 6 tỉ USD để biến Cotai, thuộc Macao thành một Las Vegas Châu Á. Ông sẵn sàng bỏ ra 2 tỉ USD để có được một trung tâm casino lớn nhất thế giới.

Cuộc cạnh tranh khốc liệt ở Macao chưa kết thúc, nhưng Sheldon Adelson đã lại có ngay những kế hoạch kinh doanh tiếp theo ở các nước Châu Á khác như: Singapore, Thái Lan, Indonesia. Những động thái nới lỏng quy định đầu tư vào sòng bạc ở các nước này đều được Sheldon quan tâm và theo dõi chặt chẽ. Ông không bỏ lỡ những cơ hội kinh doanh khi nó đến với mình.

Bước nhảy ngoạn mục gom 26 tỉ USD

Thành công nối tiếp thành công, Sheldon Adelson vươn lên vị trí người giàu thứ 3 thế giới vào năm 2006, 2007 và 2008 với gia sản 26 tỉ USD và biệt danh “Vua sòng bạc”. Vào thời điểm hoàng kim này, mỗi giờ ông thu về lợi nhuận gần một triệu đôla Mỹ nhờ hệ thống casino sang trọng trải từ Las Vegas (Mỹ) đến Macao (Châu Á). Tốc độ làm giàu này chưa tỉ phú nào đạt được.

Sheldon Adelson chi sẻ triết lý kinh doanh của mình: “Đó là tạo ra những lĩnh vực kinh doanh mới và luôn làm mọi việc một cách khác biệt, làm những điều chưa ai làm. Chẳng hạn chưa từng có ai trên thế giới này nghĩ đến việc xây dựng những khu phức hợp nghỉ dưỡng trước tôi. Tôi đã làm việc trong ngành kinh doanh trong suốt 67 năm qua. Đó là cả một chặng đường dài. Tôi biết tôi là một ông già, nhưng điều này giúp tôi. Tôi không cần đến nghiên cứu thị trường. Thường tôi chỉ đến một nơi, cảm nhận và đánh giá từ chính bản năng kinh doanh và quyết định”.

Có những lần Sheldon Adelson trải lòng: Thi thoảng, ông cảm thấy xung quanh thực sự ngột ngạt, thấy chán nản, bi quan. Những lúc như thế, ông cũng không biết làm gì hơn là khóc, có lúc nghĩ rằng hay là mình vào chùa đi tu. Ông còn nhớ những ngày tháng triền miên làm từ 7 giờ sáng đến 23 giờ đêm. Suốt 6-7 tháng như thế, không biết bạn bè là gì, không có ngày thứ bảy, chủ nhật, không biết cuộc sống bên ngoài, nhiều lúc thèm xem phim, xem ca nhạc, đọc báo đọc sách vô cùng, thèm lắm nhưng không có thời gian để làm việc ấy.

Ở tuổi 79, Adelson là một ông già rất giỏi thuyết phục, lý lẽ gãy gọn, sắc bén, nhưng ông không tận hưởng sự an nhàn. “Tôi là doanh nhân. Tôi yêu thích và đam mê công việc cũng như thành công. Nó mang lại cho tôi cảm giác mình đang trải nghiệm cuộc sống. Mỗi lần tôi hoàn tất một dự án nào đó, tôi lại muốn lao ngay vào một dự án khác lớn hơn, một cái gì đó chưa từng được thực hiện trước đây. Nó là động lực cuộc sống, là châm ngôn hoạt động của tôi. Nhưng tôi không làm mọi việc chỉ vì đam mê kiếm tiền. Một doanh nhân giỏi luôn ước ao vươn lên và hoàn tất các giấc mơ của mình và đó là lý do tôi vẫn tiếp tục làm việc. Tôi không thích bỏ cuộc một cách dễ dàng” - Sheldon nói.

“Tôi không thể nói rằng, chúng tôi không hạnh phúc nếu không có tiền. Nhưng lý do để kiếm tiền là vì tôi tin rằng để hạnh phúc phải làm những người khác hạnh phúc. Tình yêu luôn là món quà giá trị nhất. Vì thế, chúng tôi làm từ thiện rất nhiều, ít nhất là một tỉ đôla Mỹ một năm. Triết lý dùng tiền của tôi là giúp những người không thể tự giúp mình. Làm tỉ phú không chỉ có sức ép, mà còn là trách nhiệm. Chúng tôi may mắn có nhiều tiền và sử dụng đồng tiền đó đúng mục đích là trách nhiệm để đóng góp cho xã hội”. 

You Might Also Like

0 comments

Flickr Images